Những năm gần đây, ngành gia phả học phát triển không ngừng, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh. Ít ai nhớ rằng Dã Lan Nguyễn Đức Dụ là cánh chim đầu đàn, người khởi xướng việc nghiên cứu và biên khảo gia phả một cách khoa học và hệ thống ở Việt Nam từ giữa thế kỷ XX.
TÌNH YÊU VỚI DÒNG TỘC VÀ TỔ TIÊN
Sự hưng vong của một quốc gia, một dân tộc được thể hiện trong chính sử. Còn sự thăng trầm của một dòng họ, một gia tộc thì phản ánh trong từng trang gia phả. Không phải đến bây giờ, mà từ thời Lý – Trần việc tạo dựng gia phả đã xuất hiện ở nước ta. Trong nhiều gia đình và dòng họ đều lưu giữ các bộ gia phả, ghi chép thường xuyên phả hệ của mình qua các đời và các thời kỳ biến thiên của lịch sử.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh liên miên và cũng do người Việt chưa có thói quen nghiên cứu khoa học nhân văn một cách có hệ thống, cho đến cuối thế kỷ XX việc ghi chép, điều nghiên gia phả vẫn còn mang tính tự phát ở một vài cá nhân hoặc nhóm riêng lẻ, chưa hình thành một ngành gia phả học Việt Nam thực sự. May mắn, bằng tình yêu và niềm đam mê đối với lịch sử dòng họ và dân tộc, mà bệ phóng chính là không gian văn hóa của đất Sài Gòn, cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã tiên phong khởi xướng và dày công tìm tòi, miệt mài nghiên cứu gia phả, tạo cảm hứng cho những người đi sau.
Sinh thời, học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết: “Ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã lựa chọn một ngành từ trước chưa có ai bước vào, ngành khảo cứu về gia phả. Ông đã kiên nhẫn đeo đuổi mấy chục năm nay, say mê coi đó là niềm vui độc nhất của mình”. Cụ Dã Lan tên thật là Nguyễn Đức Thu, sinh ngày 6/9/1919, quê làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, Dã Lan vào Nam sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Sau đó, ông làm quản thủ thư viện Đại học Kiến trúc Sài Gòn, một trong những cơ hội đưa ông đến với ngành gia phả học. Khi nghiên cứu, viết sách, ông lấy bút danh Nguyễn Đức Dụ.
Trò chuyện với chúng tôi khi cụ Dã Lan còn, ông cho biết: “Tôi bắt tay nghiên cứu về gia phả trước hết là làm gia phả cho dòng họ Nguyễn Đức của tôi ở Thượng Cốc. Từ năm 1961-1962, với tư cách trưởng tộc, tôi đạp xe đi khắp nơi ở Sài Gòn, tìm đến hơn 500 gia đình trong tộc để hỏi han ghi chép từ đứa bé mới lọt lòng đến các bậc trưởng thượng, cả những người còn sống nhưng vắng mặt, đi nước ngoài chẳng hạn”.
QUAN NIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP MỚI LÀM GIA PHẢ
Ngược dòng thời gian, cụ Dã Lan nhận thấy lối chép sử nước ta trước đây thường rập khuôn của Trung Quốc. Ngoài hoàng tộc của các triều đại phong kiến thì sử gia cũng ít chú ý đến các dòng tộc khác, cho dù các dòng tộc ấy cũng có không ít người có đóng góp vào tiến trình lịch sử dân tộc. Đó là khoảng trống lớn về gia phả học.
Bên cạnh niềm tự hào thì bất cứ gia đình, dòng họ nào cũng có những điều tế nhị thầm kín mà họ muốn giấu không cho người ngoài biết. Khi đụng phải những khúc mắc như thế thì người nghiên cứu giải quyết ra sao? Cụ Dã Lan từng thổ lộ: “Cái chính là phải kiên trì và tạo được lòng tin. Khi bắt đầu làm gia phả tôi gặp nhiều khó khăn lắm, cả vật chất lẫn tinh thần. Khó nhất là chuyện bất đồng ý kiến giữa hàng trăm người trong dòng tộc. Biết tôi làm gia phả trong đơn độc, túng thiếu nhưng cũng chẳng ai đoái hoài đến. Họ cho rằng đó là trách nhiệm người trưởng tộc. Mỗi lần thấy tôi cọc cạch đạp xe về giữa khuya, dáng vẻ phờ phạc, vợ tôi tỏ vẻ hờn dỗi nói với các con: Thật khổ cho bố chúng mày suốt ngày cứ phả với phổ…”.
Công trình gia phả khởi đầu của Dã Lan là Nguyễn tộc thế phả của chính dòng họ mình, sau 3 năm biên soạn, dày hơn 400 trang khổ 20x27cm. Có một quan điểm đáng chú ý của cụ Dã Lan về việc dựng gia phả ngày nay là nên thêm cả “ngành ngoại”, tức cả con gái vào trong phả. Lúc còn sống, ông nói: “Người xưa không để ngành ngoại trong gia phả vì cho rằng “Nữ nhân ngoại tộc”. Tôi chủ trương gia phả nên có đầy đủ nam và nữ, tức cả nội lẫn ngoại. Bởi lẽ có nữ thì mới có nam. Trầm ngôn có câu “Phi nội tấc ngoại”. Lịch sử cho thấy phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng, từ gia đình đến xã hội”.
Dã Lan đã công bố hai công trình gây tiếng vang ở Sài Gòn trước năm 1975: Gia phả khảo luận và thực hành ấn hành năm 1969, Một lối chép gia phả thật đơn giản năm 1974. Cả hai đã được tái bản nhiều lần. Tên tuổi Dã Lan Nguyễn Đức Dụ từng được đưa vào cuốn Nhân vật Việt Nam 1973 và Who’s who in Vietnam 1974. Gần cuối thế kỷ XX, bộ Dõi tìm tông tích người xưa gồm nhiều tập, một công trình đồ sộ về phả hệ các danh nhân Việt Nam, lần lượt được Dã Lan ra mắt bạn đọc. Lịch sử được tái hiện một cách chi tiết và thú vị qua phổ trạng của các dòng họ nổi tiếng mà ông nghiên cứu công phu kỹ lưỡng: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Xý, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đăng Dung, Mạc Cửu, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Phan Thanh Giản, Đồ Chiểu, Nguyễn Quang Bích, Cao Xuân Dục, Phan Đình Phùng, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền, Ưng Bình Thúc Dạ Thị…
BÍ ẨN ĐẰNG SAU VIỆC TRUY CỨU CÁC GIA PHẢ
Công trình Gia phả khảo luận và thực hành của Dã Lan hiện đã được gần 30 cơ sở văn hóa trên thế giới lưu trữ, trong đó có cả thư viện Trường đại học Oxford lừng danh của Anh quốc. Và cũng nhờ tiếng vang của công trình này, cuối tháng 7/1972, một đoàn các nhà khoa học thuộc Viện đại học Brigham Young của Hoa Kỳ và Tổ chức Gia phả học Quốc tế đã đến tận nhà riêng của ông trao đổi về việc nghiên cứu gia phả.
Sau khi xem tài liệu khảo cứu gia phả của ông, GS R. Beals đã có lời phát biểu với báo chí rằng: “Tôi đã được xem nhiều tài liệu gia phả học của nhiều xứ trên thế giới, nhưng có thể nói đây là những tài liệu biên khảo xuất sắc nhất”! Cuối năm 1973, Dã Lan cũng nhận được một lá thư đầy thiện chí đối với công việc khảo cứu của mình từ ông J.W.Orton – một chuyên gia hàng đầu của Hội Gia phả học thuộc Giáo hội Jésus Christ của Các thánh ngày sau. Trong thư ông Orton có viết: “Chắc chắn rằng chúng tôi vô cùng thích thú được tìm hiểu xem ở Việt Nam bằng cách nào mà một người lại có thể thành công trong việc truy cứu gia phả của mình”.
Trong cuộc đời nghiên cứu, Dã Lan đã truy cứu tận gốc gia phả hơn 60 dòng họ nổi tiếng trong cả nước. Có những dòng họ đem lại nhiều bất ngờ thú vị, mới lạ mà sử sách chưa đề cập. Chẳng hạn như dòng họ của Hồ Quý Ly, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Phan Thanh Giản… và đặc biệt là dòng họ của Ngô Quyền. Thủy tổ của Ngô Quyền là Ngô Nhật Đại gốc Châu Ái, Thanh Hóa. Ông tổ bốn đời họ Ngô là Ngô Đình Uân làm chức Châu mục ở Đường Lâm, tỉnh Sơn Tây và sinh ra Ngô Quyền ở đó. Con cháu Ngô Vương về sau làm võ tướng có Thái phó Hưng Quốc công Ngô Kinh, Duyên Ý Dụ vương Ngô Từ là hai khai quốc công thần triều Lê, có công lớn trong cuộc kháng Minh, hay Ngô Tuấn tức Lý Thường Kiệt hai phen phá Tống bình Chiêm, Ngô Văn Sở danh tướng Tây Sơn… Còn về khoa bảng, con cháu họ Ngô chiếm bảng vàng cả trăm, mà nổi bật là nhóm Ngô gia văn phái với các tên tuổi Ngô Thời Trân, Ngô Thì Ức, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thời Nhậm, Ngô Thời Chí… Ngô Quyền cũng chính là ông tổ của Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tôn) và mãi về sau là Ngô Đình Khả, quan Thượng thư triều Nguyễn theo chi phái Ngô Đình ở Lệ Thủy, Quảng Bình; hay lãnh tụ cách mạng Ngô Gia Tự, GS y khoa Ngô Gia Hy theo chi họ Ngô ở Tam Sơn, Bắc Ninh.
Có một công trình mà cụ Dã Lan rất tâm huyết và chạy đua với thời gian để hoàn thành là bộ Lược khảo phổ trạng các nhà văn, bắt đầu khởi động viết từ năm 1974. Nhiều bí ẩn về các nhà văn Việt Nam được ông tìm thấy. Chẳng hạn, nhà văn – nhà phê bình nổi tiếng một thời Lê Tràng Kiều là hậu duệ của tướng Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc, vì mối oán thù với thực dân Pháp về những trận đánh ở Bắc Kỳ mà sau khi ông qua đời, con cháu phải đổi thành họ Lê để tránh bị truy lùng. Trường hợp này cũng giống như con cháu Nguyễn Trãi phải thay tên đổi họ sau vụ án oan Lệ Chi Viên, hoặc họ Mạc ở Đông Triều, Hải Dương khi bị chúa Trịnh truy lùng mà về sau danh tướng Hoàng Diệu chính là hậu duệ…
Ngoài nghiên cứu gia phả, Dã Lan Nguyễn Đức Dụ còn sáng tác thơ văn, trong đó có tác phẩm Quê hương cố sự. Tuổi cao sức yếu, cụ Dã Lan đã vĩnh biệt cõi trần vào ngày 3/5/2001, cách nay tròn 16 năm tại TP Hồ Chí Minh. Cánh chim đầu đàn gia phả học Việt Nam đã ngừng đập nhưng đường bay mà ông khai mở, tạo dựng đang được những người đi sau tiếp nối, phát triển thành ngành khoa học xã hội và nhân văn quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt Nam.