Các dòng họ là một phần của lịch sử dân tộc, qua đó, những người dựng gia phả đã giải tỏa nhiều tồn nghi do quá khứ để lại hay tìm được mộ phần của những người có công với nước vốn thất lạc hàng trăm năm.
Minh oan cho Đốc binh Hương
Dòng họ Nguyễn của Trung tướng Nguyễn Việt Thành là cố cựu tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ông sơ của trung tướng là Đốc binh Nguyễn Minh Hương, người từng mang nỗi oan “chỉ điểm”
Theo những trang sử của đất Định Tường, sau ngày mất 3 tỉnh miền Đông,Trương Định và Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân) cùng lãnh đạo nghĩa quân kháng Pháp, lập căn cứ tại Tân Hòa (Gò Công). Giặc đánh Tân Hòa, Trương Định chuyển quân về Lý Nhơn, Thủ Khoa Huân lui về Bình Cách – vùng đất giữa Tân An và Định Tường.
Theo Thủ Khoa Huân khởi nghĩa
Ở Bình Cách, ông Nguyễn Minh Hương đã đưa thân thuộc và một số nông dân theo phò Thủ Khoa Huân, được giao chức đốc binh. Đốc binh Hương có 6 anh em và đều theo Thủ Khoa Huân đánh Pháp, hoạt động trên vùng đất từ Tân An đến Mỹ Tho.
Căn cứ Bình Cách và sau là căn cứ Thuộc Nhiêu (vùng Cai Lậy) bị Pháp lần lượt tiến đánh. Thủ Khoa Huân phải rút quân qua An Giang, cùng Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) chiêu mộ nghĩa binh khởi nghĩa lần thứ hai.
Thấy lực lượng nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, giặc Pháp cử quân uy hiếp thành An Giang, buộc tổng đốc An Giang phải giao nộp Thủ Khoa Huân. Do yếu thế, tổng đốc An Giang phải nhượng bộ.
Giặc Pháp bắt được Thủ Khoa Huân đưa về Sài Gòn dụ hàng không thành nên kết án ông 10 năm tù khổ sai và đày đi Cayenne, một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ. Tháng 2-1869, Pháp ân xá, đưa Thủ Khoa Huân về quản thúc tại nhà một người bạn thời thơ ấu của ông là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương với hy vọng chiêu hàng. Sau khi liên lạc được với nghĩa quân, Thủ Khoa Huân trốn về Mỹ Tho họp với Âu Dương Lân tiến hành khởi nghĩa lần thứ ba.
Cuối năm 1874, Trần Bá Lộc và Đỗ Hữu Phương đưa quân Pháp đánh căn cứ Bình Cách. Đốc binh Hương chỉ huy nghĩa quân chống trả quyết liệt. Do thế giặc mạnh, nghĩa quân bỏ chạy tán loạn. Đốc binh Hương đưa Thủ Khoa Huân thoát về Chợ Gạo.
Đến tháng 3-1875, khi trở lại vùng Tân An, Thủ Khoa Huân bị bắt vì có người chỉ điểm. Lúc đó, Đốc binh Hương bị nghi ngờ là người chỉ điểm cho quân Pháp bắt Thủ Khoa Huân.
Chi tiết quan trọng trên mạng internet
Tỉnh trưởng Mỹ Tho De Gailland chiêu hàng không thành, đã kết án và tử hình Thủ Khoa Huân ngày 15-4 năm Ất Hợi (19-5-1875).
Sau này, tư liệu lịch sử viết về Thủ Khoa Huân có ghi: “Trần Bá Lộc đã cho bắt vợ con của Đốc binh Hương (thuộc hạ của Thủ Khoa Huân), buộc ông này phải làm chỉ điểm”. Nhiều tư liệu khác cũng khẳng định Đốc binh Hương là người chỉ điểm nhưng không có chứng cứ rõ ràng. Đốc binh Hương có 4 vợ, không rõ giặc bắt bà nào và bằng cách nào mà Trần Bá Lộc mua chuộc được ông?
Lúc dựng gia phả dòng họ Nguyễn, các chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả TP HCM nghe những người lớn tuổi kể chuyện, biết rõ sau ngày Thủ Khoa Huân bị xử tử, Đốc binh Hương cùng Âu Dương Lân tiếp tục cầm quân chống giặc nhưng do lực lượng yếu nên tan rã dần. Sau 5 năm bị truy lùng, Đốc binh Hương bị giặc bắt và giết hại vào ngày 12-7 năm Canh Thìn (1880). Các anh em của ông cũng chung số phận.
Nỗi oan “chỉ điểm” của Đốc binh Nguyễn Minh Hương từ năm 1875 đã làm con cháu họ Nguyễn các đời sau đau lòng. Ông Nguyễn Minh Hương có làm điều sai trái đó không?
Về Thủ Khoa Huân, trên mạng có rất nhiều bài viết. Trong đó, đáng chú ý là việc Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP HCM) có giữ tài liệu quan trọng về kẻ chỉ điểm để Pháp bắt giữ ông.
Tháng 8-2014, những người dựng gia phả dòng họ Nguyễn tìm đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tra cứu hồ sơ SL. 4504, tức Services Locaux 4504 (Những ban, ngành địa phương của Chính phủ Nam Kỳ) và tập tài liệu Correspondances Diverses de la Justice Indigène Années 1875-1880 (Thư từ khác nhau của Tư pháp bản xứ những năm 1875-1880), đồng thời đọc được lá thư viết tay bằng chữ Việt của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương gửi nhà cầm quyền Pháp. Nội dung lá thư như sau:
Chợ Lớn, le 24 Mai 1875
Kính quan lớn được mọi sự mạnh khỏe và được tỏ. Khi trước có người đàn bà này tên là Lê Thị Năm đến xin chịu chỉ chỗ bắt Thủ Khoa Huân cho được, xin quan lớn tha tội cho chồng nó Trần Văn Thuông ở tù khám Sài Gòn. Thời quan lớn chịu hứa mà cho theo như lời nó. Khi tôi đi bắt những quân nghịch ấy thì thấy thật nó có lòng mà chỉ vẽ mọi đường cho được bắt quân nghịch ấy.
Bây giờ đã bắt được Thủ Khoa Huân rồi, nó không xin phần thưởng mà chỉ xin lượng quan lớn tha tội cho chồng nó về thôi. Lại nó kỳ 15 ngày hay 1 tháng thì nó sẽ bắt tên Lâm Lễ cho quan lớn, còn quan lớn muốn hỏi về việc tên Chương, tên Bình (thì) nó sẽ bẩm các việc cho quan lớn rõ.
Hồ sơ lưu trữ Correspondances Diverses de la Justice Indigène Années 1875-1880 còn có thư của Đỗ Hữu Phương viết bằng chữ Pháp gửi ông giám đốc Nội vụ. Nội dung tương tự thư viết bằng chữ Việt nêu trên, nói rõ người chỉ điểm bắt Thủ Khoa Huân là bà Lê Thị Năm, người khai báo sự việc là bà Lê Thị Nhơn.
Hai lá thư của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương được tìm thấy sau 139 năm nằm trong kho lưu trữ đã minh oan cho Đốc binh Hương và làm cho con cháu họ Nguyễn ở xã Thanh Bình hết sức vui mừng. Trung tướng Nguyễn Việt Thành về nghỉ hưu tại ấp Bình Long, xã Thanh Bình, biết nỗi oan của ông sơ được sáng tỏ, mừng không ngủ được. Ông thắp hương bàn thờ tổ tiên, nhẩm đọc 2 câu liễn đối, lấy làm tự hào về truyền thống dòng họ mình hết lòng vì dân, vì nước:
“Thượng phò vương cứu quốc, tự tổ tiên vinh hoa phú quý
Hạ dưỡng dân khai cơ lập nghiệp, trường cửu thái bình ca”.
Diệp Hồng Phương – nld