TT – Mười năm trước, phim tình cảm Hàn Quốc phủ sóng khắp các bản làng xa xôi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và xuất hiện phong trào đặt tên con theo tiếng Hàn. Những cái tên xa lạ thoạt nghe cứ tưởng đùa.
Ngồi trong phòng làm việc của mình tại trụ sở UBND xã A Tiêng (huyện Tây Giang, Quảng Nam), Pơ Loong Huân kể: “Hồi đó mình còn trẻ, đang là học sinh Trường Nội trú dân tộc tại huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang) suốt ngày xem phim tình cảm Hàn Quốc.
Là học sinh nhưng bị ép cưới vợ sớm nên đã có hai đứa con. Mình bàn với vợ đặt tên con theo tên nhân vật trong phim mà cả hai vợ chồng đều thích”.
Sản phẩm của phim Mối tình đầu
Và cái tên Pơ Loong Thị San Ốc, Pơ Loong Thị San U – hai nhân vật chính trong bộ phim tình cảm Mối tình đầu – ra đời từ đó. Chưa dừng lại, cậu con trai út của ông Huân với mái tóc màu hung rám nắng và làn da đen nhẻm cũng có cái tên rất Hàn là Pơ Loong Jan Goon.
San U và San Ốc nay đã lớn, là học sinh lớp 9 và lớp 7 Trường Dân tộc nội trú huyện Tây Giang. Cái nắng hầm hập trên đồi A Líu, trong căn nhà nhỏ bên sườn đồi, hai cô bé cúi đầu chào khách lạ.
San Ốc bảo: “Nhiều người thắc mắc cái tên của con lắm. Cái tên lạ so với bà con nơi đây. Lúc đầu thầy cô có hỏi nhưng rồi cũng cười cười thôi. Bạn bè trong lớp thì hay chọc ghẹo. Chúng không gọi con là San Ốc mà gọi là A Púi. A Púi theo tiếng Cơ Tu nghĩa là con ốc đá dưới suối nhỏ”.
Còn San U, em của San Ốc, bảo cái tên của mình lạ nhưng nghe cũng vui tai. Cả hai cô bé đều hồn nhiên bảo rằng ba mẹ đặt tên gì thì mình cứ theo vậy. Tên chỉ là cách gọi thôi mà!
Phong trào đặt tên Hàn cũng rộ lên ở xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi. Bà Nguyễn Thị Chung, cán bộ tư pháp xã, lật cuốn sổ bộ quản lý khai sinh trong khoảng mười năm trở lại đây cho chúng tôi xem.
Hàng loạt cái tên nửa Cadong nửa Hàn Quốc dày đặc trong sổ: Đinh Ơn Zun Sing, Đinh Ơn Zin Sờ, Đinh E Rít, Đinh Yi Haing, Đinh Thị Zin Lăng Diễm, Đinh Ka Ty… Người dân tộc Cadong chỉ có một họ duy nhất: họ Đinh và Sơn Tây là một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước.
Hơn 10 năm gắn bó với Trường mầm non Sơn Mùa, cô giáo Cao Thị Kim nói không mệt vì dốc núi, suối rừng mà chỉ mệt vì những cái tên học sinh chẳng biết viết thế nào cho đúng. Mỗi lần làm giấy khai sinh cho các cháu xong là cô Kim và anh cán bộ tư pháp xã chỉ biết nhìn nhau lắc đầu.
Đặt tên con là quyền của người dân, mình không cản được. Nhưng quả thật là quá vất vả để ghi tên cho đúng. Khi bàn giao danh sách cho trường tiểu học, giáo viên mầm non phải ghi lại những cái tên lạ kỳ ấy vào một danh sách riêng để giáo viên tiểu học không phải chạy xuống hỏi đi hỏi lại.
Cô Kim còn cho hay nhiều em viết được cả bài chính tả nhưng không thể viết được tên mình. Chúng cứ hỏi sao tên mình lại không có trong những từ cô dạy. Các thầy cô không biết giải thích ra sao.
Đinh Nokia, Đinh Samsung, Đinh Motorola…
Cũng tại Sơn Mùa, chúng tôi đến nhà anh Đinh Văn Bao để tìm cậu bé Đinh Nokia. Tiếc là cậu bé có cái tên rất… điện thoại ấy đã dắt trâu đi rẫy với ba mẹ hai ngày nữa mới về. Căn nhà vắng lạnh chỉ có bà Đinh Thị Ngoạt (72 tuổi), bà ngoại Nokia, đang thổi lửa nấu rượu.
Bà Ngoạt ngồi kể lại “sự tích thằng Nokia”. Đó là một ngày mưa tầm tã cách đây 11 năm. Trong cuộc nhậu từ sáng tới chiều, những người đàn ông Cadong xưa nay chỉ biết có ruộng nương giờ bàn tán say sưa về những chiếc điện thoại Nokia, Samsung, Motorola.
Rượu vào lời ra, Đinh Văn Bao nhìn bụng vợ mình sắp đến ngày sinh liền tuyên bố: “Sinh đứa này ra tao sẽ đặt tên nó là Nokia”.
Tưởng cậu con rể nói chơi, ai dè mấy tháng sau khi cháu trai ra đời, bà Ngoạt thấy Bao lên xã đăng ký giấy khai sinh với cái tên Đinh Nokia.
“Tôi nói phải đặt tên cháu theo phong tục của người Cadong. Thằng bé ra đời nhằm mùa lúa mới thì phải đặt tên để nhớ cái ngày này. Nhưng khuyên mãi nó không chịu nghe”, bà Ngoạt thở dài. Năm nay thằng bé Đinh Nokia đã 11 tuổi.
Chỉ ít lâu sau khi cầm trong tay tờ giấy khai sinh của con, Bao bán non rẫy keo tậu về một chiếc điện thoại Nokia mới coóng. Vừa ẵm con vừa bấm điện thoại đi khắp làng trên xóm dưới khoe.
Những bạn nhậu ngày nào cũng tá hỏa khi Bao đã giữ đúng lời hứa mà ai cũng nghĩ là lúc say. Vậy mà sau đó có người học theo và đặt tên con là Đinh Samsung, Đinh Motorola.
Đinh Samsung là con anh Đinh Văn Gầu ở thôn Tula, sau đó đã đổi lại là Đinh Văn Nhu. Đinh Motorola là con anh Đinh Văn Đẽo ở thôn Huyra, chắc giờ thấy điện thoại Motorola không “hot” nữa nên đổi lại là Định Văn Thật.
Cơn sốt phim Hàn đã lắng xuống, các phương tiện nghe nhìn đã phổ cập hơn xưa rất nhiều nên những cái tên con trẻ như thế ở vùng cao này đã không còn thịnh hành như trước.
Clâu Điêng, bí thư Đoàn xã A Tiêng, người dẫn chúng tôi đi đến từng gia đình có con đặt theo tiếng Hàn Quốc, kể:
“Những cặp vợ chồng trẻ không còn mê phim Hàn như cách đây 10 năm. Mấy năm nay chẳng còn ai đặt tên con là Ra Na, Hi Cô, Jan Goon, San Ốc, San U… nữa. Phim ảnh tràn lan nên mọi chuyện trở nên bình thường”.
Clâu Điêng cho biết những cái tên Pơ Loong Thị Mỹ Tâm, lấy tên theo ca sĩ Mỹ Tâm, thì vẫn còn. Vì đó là những gì họ ngưỡng mộ theo thần tượng và hơn nữa cái tên rất Việt nên chẳng sao. Nhưng những cái tên chẳng hạn như Ating Bao Công hay Arất Pikachu thì đã hết đặt…
Phó chủ tịch xã A Tiêng Blup Ấm Lòng cũng cho biết nhiều gia đình bắt đầu làm đơn xin đổi tên con mình từ tiếng Hàn, Nhật thành tên Việt thuần túy và tên theo truyền thống của người Cơ Tu.
Phó chủ tịch Ấm Lòng nói: “Những cái tên đó chẳng vi phạm luật pháp gì cả, người dân có quyền đặt, nhưng trước sự phản ứng của cộng đồng nên nhiều người đã suy nghĩ lại. Người Cơ Tu ở đây hay đặt tên theo dòng suối, con sông, ngọn đồi… nơi họ sinh ra, lớn lên và gắn bó.
Những cái tên như Alăng Thị Bêu, B’riu Thị Sen, P’loong Nhót, B’lup Năng, Z’râm Đều… là những tên phổ biến nhất ở đây”.
Mà tên ông phó chủ tịch nghe cũng ngộ. Ông Ấm Lòng cười nói: cái tên của ông cũng là ước vọng của cha mẹ ông dành cho đứa con với mong muốn rằng nó không đói khổ, lớn lên tốt bụng và no đủ.
Nói về việc đặt tên con theo phim Hàn, trào lưu của một thuở, bí thư huyện Tây Giang Bh’riu Liếc cho rằng nếu chỉ cái tên thôi thì chẳng có gì quan trọng. Sợ nhất vẫn là việc đổi luôn cả họ.
Có một giai đoạn những người vùng cao về miền xuôi đi học thường hay bị bạn bè cười nhạo, nên mới có chuyện đổi họ theo người Kinh.
“Thời của chúng tôi đi học, khoảng cách giữa người Cơ Tu và người Kinh còn khá lớn. Khi đó đi xuống miền xuôi còn nhiều mặc cảm lắm nên nhiều bạn đã đổi họ thành những dòng họ của người Kinh. Riêng tôi không đồng ý và vẫn giữ tên họ Bh’riu đến bây giờ” – ông Bh’riu Liếc nói.
Theo tuổi trẻ