Câu chuyện họ tên người Việt tưởng chừng đơn giản mà hóa ra thật là hệ trọng. Những câu chuyện mà Tuổi Trẻ ghi nhận trong hồ sơ này sẽ cho thấy thiên hình vạn trạng họ tên người Việt.
Câu chuyện đặt tên của người Việt lại nóng lên khi kỳ họp mới đây của Quốc hội đã đưa ra bàn luận việc sửa đổi một điều khoản trong Bộ luật dân sự liên quan đến việc đặt họ tên, thí dụ: phải đặt tên bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không được vượt quá 25 chữ cái…
Chỉ vì một động tác đánh máy nhầm từ dấu ngã (~) thành dấu hỏi (?) của cán bộ xã mà cả ngàn người bỗng dưng đổi họ, kéo theo vô số con cháu cũng bị đổi họ. Câu chuyện hi hữu này xảy ra tại hai xã Song Phú và Phú Thịnh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long.
Chuyện bắt đầu từ năm 1994, khi đó ông N.V. K. làm cán bộ phụ trách tư pháp – hộ tịch xã Song Phú (sau này tách thành hai xã Song Phú và Phú Thịnh). Chỉ vì nhầm lẫn dấu ngã thành dấu hỏi mà ông đã thành người “khai sinh” ra ba dòng họ mới: Nguyển, Đổ và Vỏ.
Cả xã “nóng” chuyện đổi họ
Phải hơn ba năm sau ngày ông K. nghỉ hưu, cái lỗi “trời ơi” này mới được phát hiện.
Suốt thời gian đó, dù đã thực hiện không biết bao nhiêu thủ tục giấy tờ, từ việc đăng ký cho con nhập học, khám bệnh, làm hồ sơ xuất khẩu lao động, đi làm công nhân, đến kết hôn, khai sinh, báo tử… mà cả cán bộ lẫn người dân không phát hiện cái lỗi này. Cho đến khi…
Hôm chúng tôi đến UBND xã Phú Thịnh, câu chuyện đổi họ trong dân vẫn còn râm ran. Đang viết lại giấy tờ theo thủ tục “chuyển họ” cho ba cha con, ông Nguyễn Văn Lạc (ấp Phú An, xã Phú Thịnh) cho biết trước giờ ông không để ý cái họ “Nguyển” của con mình.
Hai đứa con ông đến tuổi đi học, nộp giấy tờ cũng không thấy thầy cô thắc mắc. Đến khi đi làm công nhân, khai họ tên viết họ Nguyễn (dấu ngã) công ty cũng không nói gì.
Đến hôm đi làm giấy tờ nhập hộ khẩu cho con dâu và cháu nội, ông mới biết trong sổ hộ khẩu cả ba cha con ông đều mang họ Nguyển (dấu hỏi).
Trong khi những giấy tờ khác lại mang họ Nguyễn (dấu ngã) nên không nhập hộ khẩu được. Cán bộ hộ tịch xã đang hướng dẫn ông khai báo để xin lấy lại đúng họ Nguyễn của mình.
Ở hai xã Song Phú và Phú Thịnh, chuyện đổi họ như ông Lạc không hiếm. Lật giở từng trang hồ sơ quản lý nhân khẩu của xã, ông Bùi Quốc Tặng – cán bộ hộ tịch xã Phú Thịnh – cho biết đến nay vẫn còn nhiều người mang họ “Nguyển, Đổ, Vỏ” chưa đến sửa sai.
Quanh năm đầu tắt mặt tối kiếm sống, họ chẳng để ý gì đến họ tên, tới lúc con cái làm hồ sơ đi học, đi làm mới vội vàng đi sửa.
Năm 2014 xã Phú Thịnh có 16 trường hợp đến xin sửa lại dấu hỏi thành dấu ngã. Từ đầu năm đến nay có bốn trường hợp. Và cứ lai rai như thế không biết đến bao giờ mới xong.
Sau này khi có chỉ đạo của Sở Tư pháp Vĩnh Long về việc tạo điều kiện sửa lại họ cho người dân nên thủ tục mới đơn giản hơn. Khoảng năm năm về trước, nhiều gia đình trần ai với chỉnh sửa họ.
Lấy cho chúng tôi xem hai bản khai sinh cũ và mới, ông Nguyễn Thành Chơi (ấp Phú Hưng, xã Phú Thịnh) còn thở dài ngao ngán. Năm 2010, con trai ông là Nguyễn Trung Nông nộp hồ sơ thi đại học, nhà trường phát hiện họ trong hộ khẩu không khớp với giấy tờ lưu trữ.
Đi lại gần chục lần, trích lục bao nhiêu giấy tờ ông mới sửa được cho con. Đến khi xem hồ sơ mới hay cả họ của ông cũng là Nguyển. Ông lại phải tiếp tục chạy đôn chạy đáo để sửa cái họ của mình.
“Mất cả tháng không mần ăn gì được mới sửa xong, may còn kịp chứ không lỡ luôn cả kỳ thi” – ông Chơi thở dài.
Chấp nhận họ không có ở Việt Nam
Dù chỉ chỉnh sửa mỗi cái dấu hỏi nhưng vẫn xem như đó là thủ tục đổi họ tên từ họ Nguyển sang họ Nguyễn. Và thủ tục chuyển đổi họ tên thì nhiêu khê quá chừng.
Vì vậy không ít người dân xã Phú Thịnh đành chấp nhận cái họ không có ở Việt Nam. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Cường (44 tuổi), thôn Phú Hữu Tây, xã Phú Thịnh.
Hai đứa con của ông Cường là Nguyễn Thị Thúy An và Nguyễn Thanh Phúc đều được ông K. viết giấy khai sinh chuyển họ từ Nguyễn (dấu ngã) thành Nguyển (dấu hỏi). Lo làm ăn lại ít khi dùng đến giấy tờ nên ông không để ý chuyện đúng sai.
Đến khi Thúy An làm hồ sơ thi đại học, so sánh giấy tờ ông mới té ngửa vì họ con và cha khác nhau. Ông Cường tức tốc lên huyện, xuống xã để sửa giấy tờ cho con.
Lúc đầu ông định đổi họ con sang họ Nguyễn (dấu ngã) nhưng thủ tục, giấy tờ rắc rối hơn việc đổi họ cha nên ông cắn răng chấp nhận đổi họ mình thành Nguyển (dấu hỏi) cho kịp kỳ thi của con.
Bà Trần Thị Được (ấp Phú Hữu Đông, xã Phú Thịnh) đến nay vẫn nghĩ họ Đổ (dấu hỏi) là đúng. Bà Được cho biết trong hộ khẩu ghi chồng bà Đỗ Văn Sơn (dấu ngã). Tuy nhiên hai người con của bà trong giấy khai sinh và hộ khẩu đều ghi họ Đổ (dấu hỏi).
Đến khi chồng mất, bà vẫn để nguyên họ Đổ (dấu hỏi) cho hai con. Bà nói thật hồn nhiên: “Dấu ngã hay hỏi gì thì cũng là con mình”. Và đứa con bà tên Đổ Nhựt Linh năm nay học lớp 8 cho biết từ khi đi học thấy giấy khai sinh, học bạ đều mang họ Đổ nên yên tâm đó là họ của mình.
Nhưng mỗi lần làm giấy tờ em đều phải nhắc thầy cô viết họ Đổ dấu hỏi, nếu không thì thầy cô đều ghi Đỗ.
Chuyện gia đình ông Võ Văn Đáng (ấp Phú Thuận, xã Phú Thịnh) lại rắc rối hơn. Nhà ông Đáng có sáu người con đều mang họ Vỏ (dấu hỏi).
Còn cháu của ông sinh sau này lại mang họ Võ (dấu ngã). Mới đây, người con thứ năm của ông là Võ Thành Nam đã ra xã xin sửa tên con thành họ Vỏ (dấu hỏi) cho khớp với cha. Năm người con còn lại vẫn chịu hoàn cảnh họ cha một đằng, họ con một nẻo.
Gia đình ông họp bàn nhau mãi chuyện giữ họ Võ (dấu ngã) hay đổi thành Vỏ (dấu hỏi). Ông Đáng nói các cháu ông trước giờ đi học vẫn viết họ dấu ngã, giờ đổi hết thành Vỏ (dấu hỏi) ngược với thói quen dễ dẫn đến sai sót.
Nhưng nếu đổi thành Võ (dấu ngã) thì bao nhiêu giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, nhà đất, giao dịch ngân hàng phải thay đổi hết, mất rất nhiều thời gian. Bàn lui bàn tới đến giờ gia đình ông chưa quyết định được họ của mình.
Lật đi lật lại từng trang hộ khẩu, ông Đáng lắc đầu: “Không ngờ cái lỗi nhỏ xíu thế này mà phiền hà quá trời…”.
Gặp lại “ông đánh máy” Để hiểu rõ hơn câu chuyện đổi họ, chúng tôi tìm đến ông N.V. K.. Bản thân ông K. tỏ ra rất tiếc khi sự việc nhầm lẫn này khiến nhiều gia đình lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Ông K. chia sẻ thời đó mới học xong cấp II được chính quyền gọi ra phụ trách hộ tịch cho xã. Khi đánh máy quen tay lại không thấy ai thắc mắc, bắt lỗi gì nên dẫn đến sai sót về dấu. Ông Trần Văn Tư Nhỏ, cán bộ tư pháp xã Phú Thịnh thời kỳ năm 2010-2013 (người đầu tiên phát hiện lỗi sai - NV), cho biết sau khi thống kê cả xã Phú Thịnh có gần 1.100 trường hợp người dân họ Nguyễn, Đỗ và Võ bị viết sai thành dấu hỏi.
Theo tuổi trẻ